1/ VK E.coli.
* Định nghĩa: E.coli (hay còn gọi là VK trực tràng) là chữ viết tắt của Escherichia coli, là một loại VK thuộc họ Enterobacteriacea. E.coli là một loại VK gram âm sống chủ yếu trong ruột của động vật máu nóng (bao gồm chim và động vật có vú).
* Đặc điểm sinh học:
- Trực khuẩn Gram âm, có lông quanh thân nên di động được, đôi khi có vỏ, không sinh nha bào.
- Phát triển dễ dàng trên các môi trường nuôi cấy thông thường, nhiệt độ thích hợp 37°C, phát triển được ở nhiệt độ từ 5-45°C, pH thích hợp là 7,0 - 7,2. Hiếu khí và kỵ khí tuỳ tiện.
- Sức đề kháng: Đun 55°C trong 1 giờ hoặc 60°C trong 30 phút sẽ bị tiêu diệt. Dễ bị diệt bởi các thuốc sát trùng thông thường.
* Nguồn nhiễm: chúng ta có thể bị nhiễm E. coli qua tiếp xúc hay phơi nhiễm với phân người và phân động vật. “Tiếp xúc” ở đây có nghĩa là uống nước hay ăn thức ăn bị nhiễm phân.
2/ VK Salmonella.
* Định nghĩa: Salmonella là một giống VK hình que, không tạo bào tử, di động, sinh sống trong đường ruột, có đường kính khoảng 0,7 µm đến 1,5 µm, dài từ 2 µm đến 5 µm và có vành lông rung hình roi.
* Đặc điểm sinh học:
- Hình trực, Gram âm, có nhiều lông nên di động.
- Phát triển dễ dàng trên môi trường thạch thường, Salmonella phát triển tốt sau 48 giờ, nhiệt độ thích hợp 37°C, pH thích hợp là 7,0 - 7,2.. . Khuẩn lạc có màu đen.
- Ở tự nhiên: Trong nước sống được 1 tuần, trong phân sống được 2 tháng. Đây là lý do để bệnh lan thành dịch lớn. Với nhiệt độ cao: Chịu đựng kém (VK bị chết ở 50°C/sau 1 giờ và 100°C/sau 5 phút. Với các hoá chất sát trùng: Bị tiêu diệt bởi các thuốc sát trùng ở nồng độ thông thường như phenol 5%, HCl 1/500, ...
* Nguồn nhiễm:
- Thực phẩm: Bất kỳ thực phẩm tươi có nguồn gốc động vật như thịt lợn, thịt gia cầm, sữa và các sản phẩm sữa, trứng, hải sản cùng với một số rau, quả... có thể chứa VK Salmonella.
- Nguồn lây ngoài thực phẩm: Động vật nuôi trong nhà cũng có thể mang VK Salmonella; ví dụ như: chim, chó, mèo, lợn, gà...
3/ VK Staphylococcus aureus.
* Định nghĩa: Staphyloccocus aureus (hay S. aureus) còn gọi là tụ cầu vàng, là những VK thường ký sinh ở da người; những chỗ thường gặp bao gồm mũi, nách, háng và vùng sinh dục. S.aureus là một loài tụ cầu khuẩn Gram dương và là nguyên nhân thông thường nhất gây ra nhiễm khuẩn trong các loài tụ cầu.
* Đặc điểm sinh học:
- Cầu khuẩn Gram dương, đường kính 0,5 - 1 nm, thường đứng thành từng đôi, đám nhỏ như chùm nho (tiếng Hy Lạp Staphyle nghĩa là chùm nho).
- Không di động, không sinh nha bào, thường không có vỏ.
- Hiếu khí, kỵ khí tuỳ tiện, phát triển được ở nhiệt độ 10 - 45°c, trên môi trường thạch thường phát triển nhanh, sau 24 giờ tạo khuẩn lạc có đường kính 1- 2mm, lồi, đục, mặt nhẵn, sinh sắc tố. Khuẩn lạc có màu vàng.
* Nguồn nhiễm: S.aureus cư trú trên người và động vật, có trong sữa bò bị bệnh, thịt heo tươi, trong đất, vết thương mưng mủ. Dễ dàng phát triển ở những thực phẩm không qua xử lý nhiệt hoặc các sản phẩm làm bằng tay và làm lạnh không hợp lý.
4/ Nấm Aspergillus.
* Bệnh gây ra do Các nấm thuộc chi Aspergillus (A.fumigatus, A.flavus, A.niger) thường gây bệnh cho gia cầm. Phần lớn là do gia cầm ăn phải thức ăn bị nhiễm mốc và do hít phải bào tử nấm từ chất độn chuồng nuôi. Hoặc do gà mái đẻ mắc ở thể mãn tính có thể truyền bào tử nấm sang trứng. Nguyên nhân vệ sinh chuồng trại kém, chất độn chuồng, thức ăn…bị ẩm ướt nên nấm phát triển nhanh.
* Triệu trứng: thời gian ủ bệnh 3-10 ngày.
- Thể cấp tính: Gà bệnh khó thở, thở nhanh, thở hổn hển, vươn đầu dài há mồm thở. Gà giảm ăn, chậm lớn, tiêu chảy, thường đứng riêng hay nằm một chỗ. Gà con bị bệnh trạng thái chung xấu đi và thường ngủ lịm. Gà có biểu hiện thần kinh, viêm kết mạc, một hoặc hai mắt sưng phồng, nước mắt chảy ngày càng nhiều dẫn đến mù, gầy và chết. Đặc biệt gà bị bệnh nấm phổi thường có biểu hiện hen khẹc, khó thở đứng thành từng nhóm kêu chíp chíp, đuổi theo nhau chạy vòng tròn quanh chuồng, lông gà rụng nhiều đặc biệt cầm tay vào dễ rụng thành mảng. Trước khi chết có các cơn động kinh do trúng độc như: té xuống, ưỡng cong người, liệt…Gà chết bắt đầu từ ngày tuổi thứ 5 và đỉnh cao vào lúc 15 ngày tuổi. Một số con bị nhiễm bệnh chết trong vòng 24 giờ.
- Có nhiều hạt nhỏ màu hơi vàng và trắng xám ở phổi hoặc túi khí, thỉnh thoảng ở mô não hoặc túi fabricius, ổ bụng
- Các túi khí dày lên và mờ đục
- Bào tử nấm có thể thấy được ở đường dẫn khí, phổi, túi khí hoặc ở xoang bụng. Viêm màng não có mủ.
* Phòng bệnh:
- Cần giữ cho chuồng trại, sạch sẽ, khô ráo, thường xuyên thay chất độn chuồng, sát trùng chuồng trại.
- Không cho gia cầm ăn những thức ăn để lâu ngày, lên men, nhiễm nấm mốc
- Nâng cao sức đề kháng cho gia cầm đặc biệt vào mùa ẩm ướt.
Cố vấn khoa học: PGS.TS Tăng Thị Chính - Viện công nghệ môi trường - Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam.